Ứng dụng vật liệu xây dựng thông minh, thân thiện môi trường13>
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ những năm gần đây, ngành sản xuất vật liệu xây dựng cũng đạt nhiều bước phát triển vượt bậc.
Theo thống kê, hiện nay trên thế giới, khu vực đô thị chiếm khoảng 2/3 lượng tiêu thụ năng lượng và 70% lượng khí thải làm trái đất nóng lên, gây biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố như Hà Nội, TP HCM… đã xuất hiện nhiều công trình giao thông, kiến trúc hiện đại, nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị đã được hình thành. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã được quan tâm, đầu tư nâng cấp và từng bước tiên tiến hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia xây dựng, những khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức như mất kiểm soát tăng trưởng dân số, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế. Vậy nền tảng nào để các thành phố lớn tạo dựng được không gian xanh đúng nghĩa và bền vững trong tương lai?
Trong bài viết này, Tư Thành Phát sẽ giúp quý khách hàng có thêm thông tin về các loại vật liệu xây dựng thông minh, thân thiện với môi trường. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Để giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường xanh và trong lành hơn, cần hạn chế phế thải ra môi trường, đặc biệt là khí cacbon. Đây là một loại khí độc và là nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính, chúng xuất hiện nhiều trong quá trình sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng.
Vật liệu xây dựng thông minh
Một trong những giải pháp hữu hiệu để phát triển đô thị xanh trong cả nước là đưa vào thực tế sản phẩm ít hóa chất, quy trình sản xuất không chất thải hoặc có tái sử dụng phế thải. Nghe có vẻ hoang đường, nhưng với công nghệ hiện đại và sự sáng tạo của con người ngày nay đã tạo ra những loại vật liệu xây dựng thông minh.
Gạch block
Gạch block chính là bê tông, với tỷ lệ nước thấp và cốt liệu nhỏ, được lèn chặt trong khuôn thép thành các sản phẩm có hình dạng theo khuôn mẫu và sau đó dưỡng hộ cho tới khi cứng đạt mác tương ứng với cấp phối. Loại gạch này được sử dụng nhiều nhất trong các công trình hiện đại ngày nay.
Nó được cấu thành bởi xi măng, mạt đá, cát đen, cát vàng và một số loại phế thải công - nông nghiệp. Do đó, rất thân thiện với môi trường, việc sản xuất không gây ra hiện tượng khai thác đất sét tràn lan như là gạch đất nung. Trong quá trình tạo hình, gạch block cũng không thông qua quá trình nung trong lò tạo ra khói thải nên không gây ảnh hưởng cho môi trường sống.
Kính tiết kiệm năng lượng
Kính tiết kiệm năng lượng là loại kính có công năng cao, được gia công từ kính phẳng với lớp phủ siêu mỏng trên bề mặt, có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tính năng sử dụng, độ trong suốt và màu sắc của kính. Đồng thời, có hệ số phát xạ thấp, hệ số dẫn nhiệt nhỏ, dẫn tới giảm thiểu sự truyền nhiệt giữa môi trường bên trong và bên ngoài qua hệ thống vách kính. Từ đó, tiết kiệm chi phí năng lượng của hệ thống điều hòa không khí, mà vẫn đảm bảo duy trì hiệu quả làm mát vào mùa nóng và sưởi ấm vào mùa lạnh.
Ngói đúc ép - không nung
Loại vật liệu thân thiện với môi trường này sản xuất từ xi măng, silicate, bột màu và phụ gia chống thấm. Sau đó được ép định hình và phơi khô, không qua quá trình xử lý nhiệt. Đảm bảo không thải khí độc hại ra môi trường.
Bê tông nhẹ
Sử dụng công nghệ áp khí, không nung, loại vật liệu thân thiện với môi trường này làm thành gạch khối, tấm sàn mái, tấm tường. Cốt liệu sản xuất được làm từ cát, nước, vôi, xi măng qua công nghệ trộn với bột nhôm, phụ gia đổ vào khuôn. Khối lượng riêng của bê tông nhẹ chỉ bằng ½ gạch đất sét nung. Ngoài ra, nó còn có khả năng cách nhiệt (chịu được lửa trong vòng 4 giờ), giảm khoảng 30% điện năng cho máy lạnh, tính cách âm tốt.
Ứng dụng vật liệu xây dựng thông minh, thân thiện với môi trường
Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang dần ứng dụng các loại vật liệu thông minh vào công trình xây dựng, thay thế cho các loại vật liệu truyền thống.
Một số công trình có thể kể đến sau đây:
- Bảo tàng nghệ thuật Guggenheim Bilbao (Tây Ban Nha) với thiết kế tường xen lẫn kính Low-E tiết kiệm năng lượng.
- Giảng đường trường đại học California-Berkeley sử dụng tàn tro trong bê tông.
- Khu phức hợp Keangnam tại Hà Nội là một trong những công trình sử dụng nhiều gạch không nung.
- Khu nhà ở Park Residence tại Nhà Bè, TP HCM dùng 100% gạch AAC cho tường ngăn, gạch block đá mi.
- Khu nhà ở Ehome 4 tại Thuận An, Bình Dương đã dùng 80% vật liệu xây dựng không nung và sử dụng cả ở những chỗ dễ thấm nước như tường bao, nhà vệ sinh.
Chính phủ quyết tâm thực hiện tới năm 2020, sẽ thay thế khoảng từ 30-40% vật liệu xây dựng không nung. Điều này là một dấu hiệu đáng mừng cho công cuộc bảo vệ môi trường tại Việt Nam.