Một số loại vật liệu tái chế phổ biến trong xây dựng13>
Bạn đã biết những loại vật liệu nào trong xây dựng thường được tái chế lại sau khi sử dụng không, hãy cùng theo dõi bài viết để cùng tìm hiểu nhé!
Thủy tinh
Mặc dù, chai lọ và hộp thủy tinh có khả năng tái chế cao, việc tái chế kính cửa sổ vẫn phải đối mặt với một loạt vấn đề. Đó là do sự khác biệt về thành phần hóa học và nhiệt độ nóng chảy. Vì thế, nó không thể được tái chế cùng với các vật dụng thủy tinh, kể cả các loại kính cửa sổ khác.
Tuy nhiên, kính cửa sổ có thể được nung chảy và tái chế thành sợi thủy tinh, tích hợp vào nhựa đường hoặc sơn đường. Các mảnh vỡ thủy tinh có thể được trộn với bê tông để tạo thành sàn và mặt đá Granite.
Ngoài ra, một số vật liệu khác như kẽm, nhôm, bao bì, vải cũng có thể được tái sử dụng và sử dụng để tái chế. Tuy nhiên, có một lượng lớn sản phẩm được sản xuất từ những vật liệu này thông thường có chứa chất gây hại như amiăng, sơn latex, dung môi hóa học, chất kết dính, formaldehyde và sơn có chứa chì. Trước khi đưa vào sử dụng, các loại nguyên liệu này cần phải được xử lý kỹ lưỡng để giảm tác động xấu cho môi trường cũng như sức khỏe con người.
Thép tái chế
Thép được sản xuất ra bằng cách nung nóng hỗn hợp bao gồm quặng sắt, than đá trong lò luyện kim hoặc bằng cách tái chế phế liệu trong các lò nhiệt điện. Việc tái chế thép được bắt đầu từ Đế chế La Mã, khi những chiến binh thu lượm các công cụ chiến tranh để lại trong chiến hào để sản xuất vũ khí mới.
Trên thực tế, thép có thể chuyển đổi thành các vật thể mới mà không làm giảm chất lượng của nó. Quá trình tái chế thép góp phần làm giảm lượng điện tiêu thụ tới 80%, ít gây tác động đến môi trường hơn và loại bỏ hoàn toàn nhu cầu khai thác nguyên liệu thô.
Cốt thép sử dụng cho bê tông chịu lực, dây điện, đinh và ống kim loại làm từ phế liệu.
Bê tông tái chế
Việc tái chế bê tông sẽ làm giảm giá thành công trình một cách tối đa. Khi tái chế bê tông, người ta phải dùng tới loại máy nghiền đặc biệt để tạo ra hỗn hợp "cốt liệu tái chế". Hiện nay, bê tông tái chế mới chỉ được sử dụng như một lớp nền phụ trong xây dựng.
Các thử nghiệm cho thấy cốt liệu bê tông có thể tạo nên các thành phần cấu trúc có cường độ chịu nén từ 30 tới 40 Mpa khi ứng dụng công nghệ phù hợp. Quan trọng hơn, cốt liệu tái chế cũng nhẹ hơn từ 10 - 15% so với bê tông nguyên chất, nhờ đó làm giảm trọng lượng riêng của vật liệu, từ đó tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển cũng như tổng chi phí hoàn thiện dự án xây dựng.
Gỗ tái chế
Đây là một trong những loại vật liệu tái chế phổ biến nhất trên thị trường hiện nay.
Gỗ cứng có thể tồn tại hàng trăm năm, nếu được giữ đúng cách. Chúng có thể được sử dụng trong các bộ phận có kết cấu lớn hoặc làm thanh để sản xuất các đồ tạo tác khác như thùng, pallet hoặc hỗ trợ cho các mục đích khác nhau.
Những loại gỗ mềm hơn, có mức giá rẻ hơn cũng có thể sử dụng để tái chế, đặc biệt là nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp. Ứng dụng phổ biến nhất của gỗ tái chế là để sản xuất các tấm MDF làm nội thất.
Nếu không ứng dụng theo quy trình trên, gỗ phế thải có thể được đốt trong các lò công nghiệp để làm nguồn cơ chất.
Thạch cao
Tái chế thạch cao trong xây dựng là một phương án khả thi, nhưng nếu không xử lý đúng cách sẽ giải phóng ra hợp chất Hydro Sunfua dễ cháy và rất độc hại, gây ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm.
Nhưng, nếu được xử lý đúng cách, quá trình tái chế thạch cao vẫn giữ nguyên đặc tính vật lý và cơ học giống như thạch cao thông thường mà lại tiêu tốn ít chi phí hơn.
EPS
Polystyrene mở rộng hay EPS là vật liệu tái chế rất phổ biến. EPS khi được nghiền nhỏ và ép dưới cường độ cao sẽ trở thành nguyên liệu thô cho quá trình sản xuất các sản phẩm nhựa. Nó cũng có thể được sử dụng cho các vật liệu hoàn thiện hay thậm chí là sơn.
Với sự gia tăng của nhiều vấn đề ảnh hưởng của việc xây dựng đến môi trường, vòng đời vật liệu trở thành mối quan tâm hàng đầu hiện nay. Phương án tái chế vật liệu được xem như giải pháp thiết thực, nhằm giảm áp lực đáng kể cho các bãi chôn lấp. Ngoài ra, nó còn giúp hạn chế nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên mới, giảm chi phí sản xuất, vận chuyển và thi công trong quá trình xây dựng.